Lạy Chúa là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp,/
Đấng đã tuyển chọn Dân Do Thái và đã tỏ mình ra cho họ trong suốt dòng lịch sử cứu độ của họ,/
được bắt đầu từ cuộc Vượt Qua của họ,/ từ vùng đất nô lệ Ai Cập về mảnh Đất Hứa chảy sữa và mật
như Chúa đã hứa với Tổ phụ Abraham của họ./
Thế nhưng,/ vì họ đã làm cho mảnh Đất Hứa này ra ô uế bởi tội lỗi của họ,/
nên họ đã bị đày sang Babylon cho đến khi Chúa mang họ về lại Đất Hứa của họ./
Để rồi,/ sau khi Thành Thánh Giêrusalem là Giáo đô của họ không còn hòn đá nào ở trên hòn đá nào
bởi Đế quốc Roma,/ họ đã trở thành một dân tộc tha hương./
Sau biến cố bị Đức Quốc xã tàn sát trong Thế Chiến Thứ Hai ở thế kỷ 20,/ họ đã hồi hương lập quốc,/
nhưng từ đó tới nay, suốt 75 năm, 3/4 thế kỷ,/
Thánh Địa đã triền miên là một vùng tranh chấp chủng tộc giữa dân Israel và người Palestine,/
liên tục hận thù nhau bằng chính sách "mặt đền mắt, răng đền răng"./
Chúng con xin dâng thành phần nạn nhân và phạm nhân/
của cuộc chiến loạn bất ngờ bùng lên vào chính Lễ Đức Mẹ Mân Côi 7/10/2023 ở Dải Gaza cho LTXC,/
Xin LTXC đã tỏ hết mình ra nơi Lời Nhập Thể Vượt Qua là Đức Giêsu Kitô,/
Đấng tiếp tục chịu khổ nạn nơi nạn nhân và tử nạn nơi phạm nhân của chiến cuộc này,/
cũng phục sinh vinh hiển nơi phần rỗi của nạn nhân cũng như phạm nhân,/
biến Thánh Địa mãi mãi thật sự là một mảnh Đất Hứa chảy sữa ân sủng và mật cứu độ./ Amen!
Với tâm nguyện cầu cho Hòa Bình ở Thánh Địa được gợi ý trên đây, chúng ta tiếp tục theo dõi tình hình Giáo Hội Hiện Thế trong mấy ngày qua ở những đường links sau đây:
Hồng Thủy - Vatican News
Buổi tiếp kiến diễn ra trong bối cảnh cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ hai dành cho các giám đốc và nhân viên các đền thánh trên thế giới, được tổ chức tại Vatican từ ngày 9-11/11, với chủ đề: "Đền thánh: nhà cầu nguyện".
Nơi cầu nguyện
Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha nhận xét rằng chúng ta đến đền thành trên hết là để cầu nguyện. Đền thánh là nơi cử hành Thánh lễ và bí tích Hòa giải. Đức Thánh Cha khuyến dụ cần phân định tốt trong việc chọn các linh mục giải tội, "để những người đến tòa giải tội được thu hút bởi lòng thương xót của Chúa Cha không gặp trở ngại trong việc cảm nghiệm sự hòa giải thực sự và trọn vẹn".
Lưu ý rằng "môi trường và bầu khí trong các nhà thờ không luôn mời gọi chúng ta quy tụ và thờ phượng, Đức Thánh Cha nói rằng "Cổ vũ kinh nghiệm thinh lặng chiêm niệm và thờ lạy nơi những người hành hương có nghĩa là giúp họ tập trung cái nhìn vào những điều thiết yếu của đức tin". "Thờ phượng không phải là quay lưng lại với cuộc sống; đúng hơn đó là không gian để mang lại ý nghĩa cho mọi sự, để đón nhận hồng ân tình yêu của Thiên Chúa và có thể làm chứng cho tình yêu ấy trong tình bác ái huynh đệ".
Nơi an ủi
Tiếp đến, chúng ta đến đền thánh để "được an ủi". Nhiều người đến các đền thánh mang theo gánh nặng, nỗi đau tinh thần và thể xác, và đặt chúng trên bàn thờ và mong được an ủi. Đức Thánh Cha lưu ý rằng "Sự an ủi không phải là một ý tưởng trừu tượng, và trước hết không được thực hiện bằng lời nói, mà là sự gần gũi đầy cảm thông và dịu dàng, bao gồm cả đau đớn và thống khổ. An ủi tương đương với việc làm cho lòng thương xót của Thiên Chúa trở nên hữu hình; vì lý do này, việc an ủi không thể thiếu trong các đền thánh của chúng ta", những niềm an ủi mà chính chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa
Nơi nhận được hy vọng
Cuối cùng, chúng ta đến các đền thánh để nhìn về tương lai với niềm tin tưởng hơn. Người hành hương cần niềm hy vọng, cầu xin niềm hy vọng bằng cách cầu nguyện, bởi vì họ biết rằng chỉ có một đức tin đơn sơ và khiêm tốn mới có thể nhận được ân sủng mình cần. Điều quan trọng là khi trở về nhà, họ cảm thấy mãn nguyện và tràn đầy thanh thản vì đã đặt niềm tin tưởng vào Chúa. Do đó, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng ngoài việc chú trọng tiếp đón khách hành hương, các đền thánh cũng phải chăm sóc mục vụ để khi những người hành hương rời đền thánh trở về cuộc sống bình thường, họ nhận được những lời nói và dấu chỉ hy vọng, để cuộc hành hương hoàn tất đạt được ý nghĩa trọn vẹn của nó. (CSR_4533_2023)